Cập nhật lúc: 13:46 19-11-2015 Mục tin: Hóa học lớp 10
Xem thêm: Chương 5. Nhóm halogen
CLO
I. Tính chất vật lí
- Clo là chất khí, màu vàng lục, mùi xốc, nặng hơn không khí.
- Khí clo tan vừa phải trong nước tạo thành nước clo có màu vàng nhạt. Clo tan nhiều trong các dung môi hữu cơ.
- Khí clo độc.
II. Tính chất hóa học
- Do lớp e ngoài cùng đã có 7e nên clo là phi kim điển hình, dễ nhận thêm 1e thể hiện tính oxi hóa mạnh.
- Trong các hợp chất, clo thường có mức oxi hóa -1; trong hợp chất với F hoặc O, clo còn có mức oxi hóa +1; +3; +5; +7. Vì vậy trong một số phản ứng, clo còn có tính khử.
1. Tác dụng với kim loại
- Clo phản ứng với hầu hết các kim loại trừ Au và Pt → muối halogenua. Các phản ứng thường xảy ra ở nhiệt độ cao. Muối thu được thường ứng với mức hóa trị cao của kim loại.
2M + nCl2 → 2MCln
2. Phản ứng với hiđro tạo thành hiđro clorua
H2 + Cl2 → 2HCl (ánh sáng)
3. Tác dụng với nước
- Cl2 có phản ứng thuận nghịch với nước:
H2O + Cl2 ↔ HCl + HClO (axit clohiđric và axit hipoclorơ)
Khi để lâu hoặc bị chiếu sáng thì HClO bị phân hủy: HClO → HCl + O
Vì HClO có chứa ion ClO- có tính oxi hóa mạnh nên có thể dùng nước Clo để tẩy màu hoặc sát trùng.
4. Phản ứng với dung dịch kiềm
- Nếu dung dịch kiềm loãng nguội:
Cl2 + 2NaOH → NaCl + NaClO + H2O
(nước Javen)
2Cl2 + 2Ca(OH)2 dung dịch → CaCl2 + Ca(ClO)2 + 2H2O
Cl2 + Ca(OH)2 bột → CaOCl2 + H2O
(clorua vôi)
- Nếu dung dịch kiềm đặc nóng:
3Cl2 + 6KOH → 5KCl + KClO3 + 3H2O (1000C)
5. Clo đẩy brom và iot khỏi dung dịch muối bromua và iotua
Cl2 + 2NaBr → 2NaCl + Br2
Cl2 + 2KI → 2KCl + I2
6. Một số phản ứng khác
2FeCl2 + Cl2 → 2FeCl3
3Cl2 + 2NH3 → N2 + 6HCl
4Cl2 + H2S + 4H2O → 8HCl + H2SO4
III. Điều chế
1. Điện phân muối halogenua
- Điện phân nóng chảy:
2NaCl → 2Na + Cl2
- Điện phân dung dịch muối halogenua của kim loại kiềm có màng ngăn:
2NaCl + 2H2O → H2 + 2NaOH + Cl2
2. Cho HX tác dụng với các chất oxi hóa mạnh (thường gặp: MnO2, KMnO4, K2Cr2O7, KClO3)
MnO2 + 4HCl → MnCl2 + Cl2 + 2H2O
2KMnO4 + 16HCl → 2KCl + 2MnCl2 + 5Cl2 + 6H2O
K2Cr2O7 + 14HCl → 2KCl + 2CrCl3 + 3Cl2 + 7H2O
KClO3 + 6HCl → 3H2O + KCl + 3Cl2
Nhận xét:
- Khí HCl và H2O lẫn trong quá trình điều chế vì dd HCl dùng là dd đậm đặc, dễ bay hơi nên tách ra khỏi dd tạo khí HCl lẫn vào sản phẩm. Khi đun nóng, H2O bay hơi một phần tạo hơi H2O, nên sản phẩm ngoài Cl2 còn có HCl và H2O.
- Tại sao bình 1 lại dùng dd NaCl bão hòa mà không dùng dd khác: vì độ háo nước của HCl >NaCl > Cl2. Khi dẫn hỗn hợp sản phẩm vào dd NaCl bão hòa thì HCl hòa tan làm tăng nồng độCl- tạo kết tinh NaCl.xH2O, làm giảm khả năng hòa tan của Cl2.
- Vai trò của bông tẩm NaOH: ngăn Cl2 thoát ra ngoài (có thể thay bằng nước vôi trong)
Thường gặp câu hỏi so sánh lượng clo sinh ra khi dùng cùng một lượng HCl hoặc chất oxi hóa…
BÀI TẬP ÁP DỤNG
Câu 1. Ở điều kiện thường chất nào sau đây là khí màu lục nhạt?
A. F2 B. Cl2 C. Br2 D. I2
Câu 2. Chọn đáp án sai, ứng dụng của clo là:
A. Sản xuất các hợp chất hữu cơ.
B. Tiệt trùng nước sinh hoạt.
C. Sản xuất các chất tẩy trắng.
D. Sản xuất chất nhuộm vải.
Câu 3. Trong tự nhiên, clo chủ yếu tồn tại dưới dạng:
A. Đơn chất Cl2.
B. Muối NaCl có trong nước biển và muối mỏ.
C. Khoáng vật cacnalit (KCl.MgCl2.6H2O).
D. Khoáng vật sinvinit (KCl.NaCl).
Câu 4 .Trong các khí sau: N2, O2, Cl2, CO2 chất thường dùng để diệt khuẩn và tẩy màu là :
A. N2. B. Cl2. C. O2. D. CO2.
Câu 5. Trong tự nhiên clo có mấy đồng vị bền, là những đồng vị nào?
A. Có 2 đồng vị bền là 35Cl và 37Cl.
B. Có 2 đồng vị bền là 36Cl và 37Cl.
C. Có 3 đồng vị bền là 35Cl ,36Cl và 37Cl.
D. Có 1 đồng vị bền là 35,5Cl .
Câu 6. Tính chất hóa học cơ bản của nguyên tố clo là gì?
A. Tính oxi hóa mạnh.
B. Tính khử mạnh.
C. Tính oxi hóa và tính khử.
D. Tính oxi hóa trung bình.
Câu 7. Clo có thể phản ứng được với tất cả các chất trong dãy nào sau đây ?
A. Cu, CuO, Ca(OH)2, AgNO3.
B. NaBr, NaI, NaOH.
C. ZnO, Na2SO4, Ba(OH)2.
D. Fe, Cu, O2 , N2.
Câu 8. Trong phản ứng Cl2 + KI 2KCl + I2 Clo đóng vai trò là chất gì?
A. Chất oxi hóa.
B. Chất khử.
C. Vừa là chất oxi hóa, vừa là chất khử.
D. Môi trường.
Câu 9. Phương pháp điều chế khí clo trong công nghiệp là:
A. Cho HCl tác dụng với chất oxi hóa mạnh.
B. Điện phân dung dịch NaCl.
C. Điện phân dung dịch NaCl, màng ngăn xốp.
D. Phương pháp khác.
Câu 10. Trong phòng thí nghiệm nếu không có HCl đặc, để điều chế clo ta có thể thay thế bằng hỗn hợp nào sau đây ?
A. Hỗn hợp H2S + NaCl rắn + KMnO4.
B. Hỗn hợp H2SO4đặc + NaCl rắn + MnO2.
C. Hỗn hợp HBr + NaCl rắn + KMnO4.
D. Hỗn hợp HI + NaCl rắn + K2Cr2O7.
ĐÁP ÁN
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
B |
D |
B |
B |
A |
A |
B |
A |
C |
B |
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
>> Học trực tuyến Lớp 10 cùng thầy cô giáo giỏi tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, bứt phá điểm 9,10 chỉ sau 3 tháng, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025