Kiến thức trọng tâm về chất

Cập nhật lúc: 09:20 13-05-2016 Mục tin: Hóa học lớp 8


Hằng ngày chúng ta thường tiếp xúc và dùng hạt gạo, củ khoai, quả chuối, cuốn sách,…Những vật thể này có phải là chất không? Chất và vật thể có gì khác nhau?

I.     LÝ THUYẾT

1.        Vật thể, chất.

 

-       Vật thể: Là toàn bộ những gì xung quanh chúng ta và trong không gian.

-         Vật thể gồm 2 loại: Vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo.

-         Chất: là nguyên liệu cấu tạo nên vật thể. Chất có ở khắp mọi nơi, ở đâu có vật thể là ở đó có chất.

1.        Tính chất hóa học của chất

-         Mỗi chất có những tính chất nhất định. Bao gồm tính chất vật lý và tính chất hoá học.

o   Tính chất vật lý: Trạng thái (R,L,K), màu sắc, mùi vị, tính tan, tính dẫn điện, dẫn nhiệt, nhiệt độ sôi (t0s), nhiệt độ nóng chảy (t0nc), khối lượng riêng (d).

o   Tính chất hoá học: Là khả năng bị biến đổi thành chất khác: Khả năng cháy, nổ, tác dụng với chất khá.

→ Lợi ích của việc hiểu các tính chất của chất:

o  Phân biệt chất này với chất khác.

VD: Cồn cháy còn nước không cháy.

o  Biết sử dụng chất an toàn.

VD: H2SO4 đặc nguy hiểm, gây bỏng nên cần cẩn thận khi sử dụng

o  Biết ứng dụng chất thích hợp vào trong đời sống và sản xuất.

VD: Cao su không thấm nước, đàn hồi nên dùng để chế tạo săm, lốp xe…

2.        Hỗn hợp và chất tinh khiết.

-         Hỗn hợp là 2 hay nhiều chất trộn lại với nhau. Mỗi chất trong hỗn hợp được gọi là 1 chất thành phần.

-         Hỗn hợp gồm có 2 loại:

o  Hỗn hợp đồng nhất : là hỗn hợp không xuất hiện ranh giới phân cách giữa các chất thành phần.

 

VD: Hỗn hợp nước và rượu.

o  Hỗn hợp không đồng nhất: là hỗn hợp có xuất hiện ranh giới phân cách giữa các chất thành phần.

VD: Hỗn hợp dầu ăn và nước.

-         Tính chất của hỗn hợp: Hỗn hợp có tính chất không ổn định, thay đổi phụ thuộc vào khối lượng và số lượng chất thành phần.

-         Chất tinh khiết là chất không có lẫn chất nào khác. Chất tinh khiết có tính chất nhất định, không thay đổi. VD: Nước cất (nước tinh khiết)

-         Khi tách riêng các chất ra khỏi hỗn hợp ta thu được các chất tinh khiết. Để tách riêng các chất ra khỏi hỗn hợp người ta có thể sử dụng các phương pháp vật lý và hoá học: tách, chiết, gạn, lọc, cho bay hơi, chưng cất, dùng các phản ứng hoá học…

VD: Khuấy tan một lượng muối ăn vào nước → Hỗn hợp trong suốt . Khi đun nóng, nước bay hơi, ngưng tụ hơi tạo thành nước cất. Sau khi cạn nước thu được muối ăn.

II.        BÀI TẬP CỦNG CỐ

Bài 1. Nêu ví dụ về 3 vật thể tự nhiên, 3 vật thể nhân tạo.

Bài 2. Vì sao nói được “ở đâu có vật thể là ở đó có chất” ?

Bài 3. Hãy chỉ ra đâu là vật thể, đâu là chất trong các ý sau:

a.      Cơ thể người có 63 – 68% về khối lượng là nước.

b.      Than chì là chất dùng làm lõi bút chì.

c.      Dây diện làm bằng đồng, được bọc một lớp chất dẻo bên ngoài.

d.      Áo may bằng sợi bông (95 – 98% là xenlulozơ ) mặc thoáng mát hơn may bằng nilon (một thứ tơ tổng hợp).

e.      Xe đạp được chế tạo từ sắt, nhôm, cao su,….

Bài 4. Lập bảng so sánh tính chất: màu, mùi, vị, tính tan trong nước, tính cháy được của các chất: muối ăn, đường, than.

Bài 5. Làm thế nào để tách riêng từng chất ra khỏi hỗn hợp gồm sắt và lưu huỳnh?

Bài 6. Khí nitơ và khí oxi là hai thành phần chính của không khí. Trong kỹ thuật, người ta có thể hạ thấp nhiệt độ để hóa lỏng không khí. Biết nitơ lỏng sôi ở - 1960C và oxi lỏng sôi ở - 1830C. Làm thế nào để tách riêng được khí oxi và khí nitơ từ không khí?

HƯỚNG DẪN GIẢI

Bài 1.

Hai vật thể tự nhiên: nước, cây, không khí.

Hai vật thể nhân tạo: Bàn, ghết, nồi cơm điện

Bài 2.

Bởi vì, chất là nguyên liệu tạo ra vật thể. Trong tự nhiên chất có mặt khắp mọi nơi từ trong vật thể tự nhiên đến vật thể nhân tạo.

Bài 3.

Vật thể: cơ thể người, lõi bút chì, dây điện, áo, xe đạp.

Chất: nước, than chì, xenlulozơ, nilon, sắt, nhôm, cao su.

 

Bài 4. Lập bảng so sánh:

 

Màu

Vị

Tính tan trong nước

Tính cháy

Muối ăn

Trắng

Mặn

Tan

Không cháy

Đường

Nhiều  màu

Ngọt

Tan

Có cháy

Than

Đen

Không

Không

Có cháy

Bài 5.

Dùng nam châm. Do sắt có tính chất là chất dễ bị nhiễm từ nên sẽ bị nam châm hút. Còn lưu huỳnh thì không.

Bài 6.

Nitơ lỏng sôi ở - 1960C và oxi lỏng sôi ở - 1830C cho nên ta có thể tách riêng hai khí này bằng cách hạ thấp nhiệt độ để hóa lỏng không khí (tới < - 1960C  ). Sau đó nâng dần nhiệt độ lên. Ở - 1960C nitơ lỏng sôi và bay lên trước, còn oxi lỏng đến- 1830C mới sôi → Tách riêng được hai khí.

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Hóa lớp 8 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 9 & lộ trình Up 10! trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều), theo lộ trình 3 bước: Nền Tảng, Luyện Thi, Luyện Đề. Bứt phá điểm lớp 9, thi vào lớp 10 kết quả cao. Hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2021